(Vietnamica Finance) — Doanh nhân khởi nghiệp là huyết mạch của nền kinh tế mọi quốc gia. Họ sản sinh ra ý tưởng, tìm kiếm nguồn lực và tài nguyên, dồn sức lực mình vào tạo dựng doanh nghiệp mới, chấp nhận thách thức. Thế nhưng để có thể làm việc này, doanh nhân cần đến một liều lượng sáng tạo – thực ra, nhiều người quả quyết rằng tính sáng tạo chính là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất đối với doanh nghiệp và doanh nhân trong tương lai. Giản dị nhất, tính sáng tạo được định nghĩa là một ý tưởng mới, phù hợp với thời đại và không gian sinh ra nó, và ý tưởng đó mang lại giá trị.
Bây giờ, chúng ta cùng bàn tới tầm quan trọng của tính sáng tạo đối với doanh nhân khởi nghiệp, những đặc điểm chung mà các tổ chức kinh doanh được gọi là sáng tạo thường có, cũng như các điều kiện có thể sẽ giúp hỗ trợ tích cực – hoặc là cản trở – tính sáng tạo.
Sao lại bận tâm về tính sáng tạo?
Trong cuốn sách The World is Flat, tác giả của tờ báo nổi tiếng New York Times, ông Thomas Friedman phát biểu rằng các quốc gia như Mỹ từ lâu xem tính sáng tạo như điều gì đó đương nhiên phải có – bởi lẽ nó đã ăn quá sâu vào tiềm thức. Nhiều quốc gia khác, tuy thế, vẫn đang tìm kiếm một cách có hệ thống các phương pháp nhằm xây dựng và khai thác tính sáng tạo – có thể là trong trường học, nghệ thuật, hay là kinh doanh.
Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ trong một thời gian đã được xem là mảnh đất tốt để có thể tận dụng sức sản xuất kiểu vệ tinh – đặc biệt vì chi phí lao động rõ ràng thấp hơn Châu Âu hay Bắc Mỹ. Tuy vậy ngày càng rõ nét hơn, nhất là trường hợp của Trung Quốc, yếu tố nhấn mạnh vào giáo dục và tính sáng tạo đang chuyển hoá quốc gia này trở thành điểm hấp dẫn cho các hoạt động đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nữa – chẳng hạn, Microsoft có ba trung tâm R&D tầm cỡ toàn cầu – thì ngoài trụ sở chính ở Redmond, bang Washington (Mỹ), thì hai trung tâm lớn còn lại một ở London (Anh), và một ở Thượng Hải (Trung Quốc). Rõ ràng để cạnh tranh trong tương lai, các doanh nhân Việt Nam cũng nhất thiết phải phát triển sức mạnh sáng tạo của mình.
Trong nền kinh tế chuyển đổi Việt Nam, với những thay đổi và cơ hội lớn lao, thì đây cũng là thời đại mà doanh nhân có thể tận dụng để xây đắp tính sáng tạo của riêng mình. Chúng ta cùng xét một vài ý tưởng có thể thúc đẩy tích cực quá trình sáng tạo đó.
Ba kỷ luật sáng tạo
Bản thân tôi lâu nay nghiên cứu về tính sáng tạo trong các tổ chức, trải từ một công ty sản xuất phần mềm cho tới một nhà hát. Tôi nhận thấy các tổ chức có tính sáng tạo, cũng như năng suất kinh tế cao, đều có chung một đặc điểm – đó là kỷ luật. Thực tế, họ có chung khái niệm mà tôi định nghĩa bằng thuật ngữ tính sáng tạo 3-chiều – nghĩa là, 3 loại kỷ luật cùng tồn tại.
Giờ thì tôi tưởng tượng ra các bạn đang nghĩ ngợi, “Trời, bà nói gì vậy? Sao sáng tạo lại đi kèm kỷ luật? Nghe có vẻ mâu thuẫn quá!” Vậy thì, xin cho tôi giải thích.
Ba kỷ luật của tính sáng tạo chính là: (1) Suy nghĩ vượt ra khỏi nguyên tắc kỷ luật; (2) Hành động trong phạm vi kỷ luật; và (3) Thực hành một quá trình có kỷ luật để trở nên sáng tạo.
Trước tiên, người lãnh đạo và doanh nhân sáng tạo luôn suy nghĩ “vượt ra khỏi các kỷ luật ràng buộc chính họ”. Điều này có nghĩa, lấy ví dụ, các kỹ sư thì hướng đến khoa học cơ bản hoặc nghệ thuật hay giáo dục để tìm kiếm các ý tưởng mới. Các doanh nhân Việt Nam cũng có thể tìm kiếm các ý tưởng ở ngay các quốc gia láng giềng – như ở Thái Lan hay Malaysia – nhằm tìm cách tạo dựng mô hình kinh doanh cho mình trong môi trường nhiều thay đổi.
Tôi quen một ông giám đốc điều hành (CEO) của hãng phần mềm dịch vụ thông tin kinh doanh thường xuyên quan sát ngành công nghiệp điện ảnh để tìm kiếm ý tưởng. Ông giám đốc cho biết làm một tác phẩm điện ảnh khá giống việc sáng tạo ra một sản phẩm phần mềm – công việc đó phải kết hợp các tài năng đơn lẻ và phân tán lại với nhau trong một khoảng thời gian ngắn để sinh ra sản phẩm có tính sáng tạo cao – đồng thời phải đối mặt với những hạn chế về tiền bạc và thời gian. Do vậy, ông học cách thức tạo ra các đội “phản ứng nhanh” giúp sản sinh ra các ý tưởng sáng tạo tốt; cho tới giờ, doanh nghiệp phần mềm 150 người của ông kinh doanh những sản phẩm xuất xuất sắc nhất với chính cả đối thủ có tới 15.000 người tại Pháp.
Kỷ luật thứ hai là “hành động và suy nghĩ trong phạm vi kỷ luật”. Điều này có nghĩa là tìm kiếm bên trong tổ chức những con người có thể làm việc rất tốt và động viên. Con người làm việc trong các doanh nghiệp hay tổ chức đặc biệt thường là người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Họ nhận thức được thế mạnh và mong muốn cùng đồng nghiệp cũng là những người có năng lực làm việc tốt. Do đó, điều này cũng có nghĩa là họ phải học sâu sắc và liên tục trong phạm vi kỷ luật và ngành nghề để giữ vững vị trí xuất sắc nhất. Đối với doanh nhân và người lao động, cũng có nghĩa là phải liên tục cập nhật – và tiếp tục tiến lên bằng cách tìm kiếm và sử dụng kiến thức, xu hướng và tư tưởng mới. Ngày nay với kết nối Internet và cam kết tầm nhìn vượt ngoài khuôn khổ qui tắc, khả năng cập nhật ngay tại các nước trong quá trình chuyển đổi và đang phát triển cũng không thua kém gì các nước giàu có.
Khía cạnh thứ ba của tính sáng tạo là một quá trình có kỷ luật, tức là một cấu trúc giúp ta trở nên tự do sáng tạo. Ý tưởng “cấu trúc khuyến khích tự do” này có thể khiến nhiều người thấy lạ lẫm. Song, các doanh nghiệp sáng tạo, theo bản năng, thường xây dựng và sử dụng một quy trình sáng tạo: sản sinh ý tưởng, kiểm tra và kiểm tra lại, kiểm tra ý tưởng thí nghiệm lần cuối, và tung ý tưởng ra. Trên thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy rằng nếu xây dựng được một quy trình cấu trúc mà mọi người thừa nhận và sử dụng, thì cấu trúc đó có xu hướng cho phép mang lại nhiều tự do sáng tạo ý tưởng mới hơn.
Các doanh nhân thường ủng hộ ngay hai khía cạnh đầu tiên – liên tục tìm kiếm ý tưởng mới, xây dựng tính chuyên sâu trong một số lĩnh vực. Nhưng nhiều người cảm thấy khía cạnh kỷ luật thứ ba rất khó ứng dụng. Do đó, thay vì cho phép dành thời gian và tạo ra hệ thống để phát triển các ý tưởng mới, họ thường nhảy cóc tới các ý tưởng chứ không nghiềm ngẫm, nung nấu, hay kiểm định nữa. Thực tiễn cho thấy là họ lo ngại đánh mất cơ hội, chứ lại không mảy may lo việc thất bại với ý tưởng ngay khi đã có cơ hội. Nghĩ kỹ ra, bằng việc dành đủ thời gian cho sáng tạo theo một phương pháp có tổ chức, doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian về sau và thu nhận được nhiều ý tưởng có thể hữu ích hơn nữa.
Vậy doanh nhân có thể làm gì để làm tăng tính sáng tạo?
Một vài ý tưởng ở đây có thể quá rõ rồi, nhưng cũng có thể lại khiến bạn ngạc nhiên.
Tính sáng tạo có thể xuất hiện ở mọi nơi, và trong mỗi người. Đi tới các ý tưởng mới phù hợp với thời đại và không gian, mang lại giá trị, có thể xẩy ra ở quán Bia hơi, ngay trong bệnh viện, hoặc vào lúc khởi sự doanh nghiệp. Doanh nhân khởi nghiệp nào sẵn sàng tiếp nhận ý tưởng ở mọi mức độ và từ mọi người, trong mọi khía cạnh kinh doanh, có thể tìm được nhiều cách thức làm ra cũng như tiết kiệm tiền bạc.
Tiền không giúp “mua” được tính sáng tạo. Chẳng hạn với sản phẩm sáng tạo máy nghe nhạc kỹ thuật số iPod, những người sáng tạo tìm kiếm tư tưởng, giải quyết khó khăn, và sản xuất ra nó không đơn thuần chỉ vì vấn đề tiền bạc. Họ làm bởi vì họ yêu sự thách thức, vì họ thích làm việc với những người xuất sắc, và họ muốn thực hiện được điều gì đó “lớn lao”. Nếu tiền bạc là động lực duy nhất, thì con người sẽ tập trung suy nghĩ về tiền, thay vì nghĩ tới các ý tưởng.
Thiếu thốn có thể khiến con người tháo vát, trở thành người giàu tài nguyên. Tôi có giai đoạn làm việc với Việt Nam tới 9 năm, tham gia phát triển trường kinh doanh theo chuẩn quốc tế đầu tiên ở nước các bạn. Vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, Hà Nội có rất ít ô-tô, rất ít đèn giao thông, nguồn nước và điện thì chập chờn, nhưng có rất nhiều người thông minh. Thời gian trôi qua, tôi ngày càng thấy nhiều người tìm được các giải pháp sáng tạo giải quyết vấn đề mà không phải tốn kém quá nhiều tài nguyên. Sự thiếu thốn nguồn lực làm sản sinh ra những con người có tố chất tài nguyên!
***TS Nancy Napier là thành viên Ban cố vấn của OMT, là tác giả cuốn sách Những khoảnh khắc xuất thần do Công ty OMT tài trợ xuất bản.