Nghề Kỹ thuật tài chính thực hành (Financial Engineering )
SELECT MENU

Bài học quản lý

Nghề Kỹ thuật tài chính thực hành (Financial Engineering )

Thông tin tài liệu

Trong bài viết này, tác giả xin giới thiệu cùng độc giả về một nghề đang phát triển như vũ bão 30 năm gần đây: Financial Engineering –Nghề Kỹ thuật tài chính thực hành. Hi vọng rằng, các bạn trẻ sẽ tìm thấy được một niềm đam mê mới đối với công việc mang tính ứng dụng này.


1. Các nội dung cần trải qua

  • Các định lý tài chính cơ bản
  • Các công cụ tài chính và tính chất quan sát được (thị trường hay phòng lab)
  • Nguyên lý về xây dựng và lựa chọn portfolio
  • Mô hình định giá
  • Các khái niệm và mô hình định giá phái sinh chứng khoán
  • Chứng khoán nhóm fixed-income
  • Thị trường hiệu quả EMH
  • Phòng ngừa rủi ro

Ở trên, tôi chỉ tóm tắt những nội dung cơ bản nhất, mà như các bạn đã biết, khi chẻ nhỏ sẽ thành những vấn đề, khía cạnh sâu của lĩnh vực. Mỗi người có thể mạnh và hiểu biết kỹ một vài lĩnh vực hẹp, nhưng về cơ bản sẽ bao quát được các vấn đề của ngành. Khi cần tìm hiểu kỹ sẽ thuận lợi hơn.

Tôi xin lấy ví dụ như một vấn đề cũng không quá xa lạ ở Việt Nam: repo. Thực chất của thực hành repo là chúng ta cần biết định nghĩa chính xác của repo trong thực tế, định nghĩa này có thể thay đổi khi thực hành ở thị trường tài chính Việt Nam, có khác biệt so với thị trường Bỉ hay Pháp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tìm hiểu xem các tính chất và kỹ thuật tính toán của “công việc repo” là gì. Các chiến lược repo trong lúc chúng ta xây dựng một dãy các sản phẩm liên quan tới repo. Các loại repo nào có mặt trong cuộc sống, cái nào có thể khả thi, cái nào không, sắp tới cái gì có thể được giới thiệu mới. Đối với thị trường thì loại chiến lược nào sẽ hoạt động được. Các quá trình “lai tạo” repo. Một số trường hợp nào tiêu biểu, v.v.. Rất nhiều thứ liên quan.

Nói như vậy để hiểu rằng trong lúc tìm kiếm giải pháp, đôi lúc chúng ta cần rút gọn vấn đề về các nguyên lý và thao tác đơn giản. Giống như việc tính toán cho swap hay swoption có thể được rút gọn về tính toán forward và option, hai bài toán cơ bản của định giá phái sinh chứng khoán vậy.

2. Các kỹ thuật ứng dụng cần xử lý tốt và làm chủ

  • Các kiến thức toán học cơ sở (biến, hàm số, quan hệ, không gian tuyến tính, đại số…)
  • Tính toán xác suất-thống kê trên các đại lượng ngẫu nhiên
  • Các phép tính vi-tích phân thông thường (xác định) và với đại lượng ngẫu nhiên (bất định)
  • Các phép toán tối ưu hóa (dạng toàn phương đối với lựa chọn danh mục đầu tư)
  • Giải tích ngẫu nhiên
  • Phương pháp thống kê và các vấn đề về chuỗi thời gian
  • Các phương pháp kinh tế lượng sử dụng trong khảo sát thị trường và sản phẩm tài chính (có một chút trùng lắp với nội dung “chuỗi thời gian”)
  • Một số kiến thức liên quan về vật lý
  • Các kỹ thuật liên quan tới tính toán bằng máy tính (Maple, Matlab, Mathematica, Excel, C/C++, Java…)

Các vấn đề tài chính ở khía cạnh nghiên cứu không mấy khi đơn giản, nhưng rút gọn xuống thực hành thì người ta đánh đổi các nguyên lý phức tạp lấy các phép tính thông thường và kết cục tất yếu của việc đánh đổi là “khối lượng tính toán lớn”. Trong những năm trước 1970, việc tính toán gây ra tốn kém tiền của đáng kể đối với giới tài chính. Các bạn cứ tưởng tượng phải bỏ tiền đi thuê các máy tính lớn, loại mainframe mà chỉ có IBM hay một vài hãng sản xuất để có thể tính toán. Chưa kể các chương trình ứng dụng rất nghèo nàn, luôn cần tới những chuyên gia lập trình riêng cho công tác giải quyết một vấn đề cụ thể. Chi phí tính toán thời ấy là: Chi phí thuê máy + Chi phí ăn ở của người ra đầu bài + Thời gian của tất cả + Chi phí của chuyên gia lập trình + Tiền điện (biết đâu đấy)…

Thế nhưng, với tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, việc tính toán với tốc độ cao trên máy PC, thậm chí là các laptop nhỏ đã trở nên hết sức thông dụng. Bây giờ, công việc rút gọn xuống: chọn các phần mềm tốt, chọn mua hay viết các chương trình ứng dụng tính toán tốt, và hiểu rõ kết quả nói gì. Đây là bước tiến vượt bậc mà 30 năm trước, người ta sẽ cho là hoang tưởng khi các bạn nói rằng mình muốn sử dụng công nghệ tính toán máy tính để giải quyết các bài toán thực hành kỹ thuật tài chính nhóm financial engineering. Kể cả các mô phỏng Monte Carlo rất phức tạp như mô phỏng lũ về hồ thủy điện hay dòng chảy đại dương cũng có thể sử dụng PC công suất cao. Lúc tôi được ghé với nhóm làm việc financial engineering của bộ phận equity trading thuộc ING Investment ở Bruxelles – Lamberts hồi năm 2003, tôi còn nhớ mỗi người đều có những chương trình tự viết cho việc mua bán chứng khoán. Đó là tầm quan trọng của kỹ năng.

Đối với kiến thức nền tảng toán học, financial engineering không biến và cũng không bắt người tìm hiểu phải trở thành các nhà toán học. Tuy vậy, tối thiểu việc nắm vững các ký hiệu; ví dụ tại sao lại hay được hiểu là không gian xác suất hoặc vì sao lại hay biểu hiện một sự kiện đơn giản nhất (kết cục) của một thí nghiệm xác suất… là điều khá cần thiết; vì toán học là ngôn ngữ không thể thiếu của quá trình nghiên cứu các sản phẩm-kỹ thuật financial engineering.

Sau đó nữa, nếu chúng ta trải qua một quá trình triển khai các lô-gích toán học cần thiết, chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để nhớ và trình bày lại được các kết quả quan trọng trong ứng dụng. Ví dụ như, bỗng nhiên hỏi ai đó rằng, bạn học ngành tài chính bậc cao (Thạc sỹ trở lên) và viết cho tôi xem cái định lý biểu diễn martingale để đưa ra khái niệm xác suất mô phỏng trung tính rủi ro, thì người đó hẳn sẽ rất lúng túng. Đó là vì ít khi họ thực sự trải qua các lô-gích trung gian, mà nhảy vọt ngay tới kết quả. Cái này khó nhớ.

(Tương tự vậy, năm 2007 – con gái tôi khi đó học tiếng Pháp cũng khá lâu, và nói tiếng Anh cũng rất rành, nhưng tôi rất ngạc nhiên vì cô bé bảo hay bị lẫn Before và After. Cách cuối cùng là tôi bảo: After giống Après. Từ đó sẽ không nhầm nữa). Chúng ta cần những lô-gích như thế để không quên và không bị loạn trước hàng trăm phương trình quan trọng và hàng ngàn phép toán thiên biến vạn hóa.

Một số tài liệu có thể đã có sẵn tiếng Việt như Nhập môn toán tài chính thì lại tương đối “kỹ thuật” về phương diện toán học, vì thế sẽ rất khó phù hợp với nhiều người không có thời gian chăm sóc các kỹ năng toán học, đặc biệt là giải tích ngẫu nhiên. Trong khi đó, yêu cầu đối với thực hành tài chính lại mang tính cụ thể và thực dụng hơn nhiều.

Thực tế, chúng ta cần một giáo trình tốt về financial engineering để có thể giúp độc giả và người thực hành quan tâm tiếp cận một cách hệ thống.

3. Ích lợi của kỹ thuật tài chính thực hành

  • Nghề nghiệp
  • Hiểu biết sản phẩm và làm chủ các kỹ năng
  • Xử lý thông tin
  • Giảng dạy

Việc nắm vững các kỹ thuật và công cụ này có ích với nhiều nghề, từ người buôn bán chứng khoán tới người viết báo chứng khoán. Khi làm chủ những hiểu biết căn bản, sự lúng túng sẽ biến mất. Tôi lấy ví dụ, lúc TTCKVN chỉ có dưới 10 cổ phiếu đã niêm yết, việc nhớ rõ từng loại, đặc tính, tên tuổi, thậm chí các thông số kinh doanh không có gì quá khó khăn. Nhưng khi lên tới 200, đây là việc không tưởng. Chỉ nhớ không thôi cũng đưa chúng ta lên hàng “chuyên gia” rồi. Còn tới tháng 5-2012, TTCKVN đã có tới 705 cổ phiếu, với mức vốn hóa ước tính khoảng 30-35 tỷ USD.

Với mức giao dịch đã lên tới hơn 100 triệu USD mỗi ngày, TTCKVN sẽ còn tiếp tục phát triển tới các mốc thanh khoản cao hơn nữa. Không có kỹ thuật tài chính và khả năng dò-lọc một cách hệ thống và phương pháp, không làm sao có thể tìm được những cổ phiếu tốt và các thông tin quanh nó mà đầu tư.

Việc tính toán tiếp theo nữa là công việc cần sự sắp xếp khoa học, financial engineering giúp chúng ta những kỹ năng-hiểu biết cần thiết để làm việc ấy. Việc tổ chức các website cũng vậy, nếu đi theo “vệt nguyên lý của financial engineering” các website sẽ có cấu trúc và kiểu công bố thông tin khác với việc đưa thông số như hiện tại; hiển nhiên như vậy công năng sử dụng có thể cũng sẽ rất khác.

Đối với giảng dạy thì đây là một nhánh đào tạo đang có nhu cầu lớn, bản thân các khóa học ở Việt Nam cũng sẽ rất cần trong tương lai gần. Hiện nay, đã có một số chương trình đào tạo ở Việt Nam về ngành này, nhưng tuyệt nhiên chưa thể so sánh được các trung tâm đào tạo có truyền thống ở nước ngoài. Ngay cả sinh viên ở các nước tiên tiến hơn như Hà Lan, Thụy Sĩ, v.v.. nếu có điều kiện, cũng mong muốn được tiếp cận các kỹ thuật và triết lý mới của ngành nghề này.

Gần đây, khi cuộc khủng hoảng 2007-08 gây chấn động toàn cầu, đã rất nhiều tiếng nói tiên liệu về sự cáo chung của kiểu lý thuyết kinh tế và các mô hình tài chính hiện đại. Cực đoan hơn, còn nhiều người cho rằng Wall Street đã chết. Thực tế ngược lại, quyền lực của thế giới tài chính không suy chuyển và có phần gia tăng do rất nhiều người khác đã nghèo đi (nên họ giàu lên tương đối).

Ngày 17-5-2012, tôi còn nghe trên báo chí nói: VietinBank – NHTMCP Công thương Việt Nam cho biết sẽ trả lương cán bộ giỏi tới 10.000 USD/tháng; mới chỉ cách đây không lâu, mức này được coi là “giới hạn cấm” mà chỉ CEO hay các nhân vật rất chủ chốt của các đại công ty mới có thể với tới.

Người ta thường nói, nghề tài chính giàu có vì lý do “con người ở cạnh dòng chảy lớn, thường xuyên và sôi động của tiền”. Điều này rất đúng. Khi nó chảy qua chảy lại hàng ngày, người ta có thể dùng gáo, hay xô chậu, múc lại “một ít” không quá khó khăn. Vấn đề của đạo đức và nguyên tắc đường dài trở nên quan trọng khi các cơ hội như thế nhiều lên. Do đó, lợi ích cộng với cám dỗ lớn cũng là vấn đề lớn của nghề tài chính. Các khóa học chuyên sâu tài chính thường có các môn về đạo đức bắt buộc là vì thế.

Có đôi lời giới thiệu như vậy, biết đâu có ích cho các bạn trong khi đang tìm kiếm định hướng nghề nghiệp hoặc kinh doanh.

TS. Vương Quân Hoàng là Nghiên cứu viên cấp cao thuộc Centre Emile Bernheim (Đại học Tổng hợp Brussels, Bỉ) và Centre for Creativity and Innovation (Boise State University, Hoa Kỳ), hiện đang tham gia hoạt động nghiên cứu ứng dụng thiết thực phối hợp với SGDCKHN (HNX) nhằm phục vụ thị trường. Ông Hoàng từng được nhận giải thưởng Sách quốc gia năm 2007 và giải thưởng Báo chí năm 2010. Tiến sỹ Hoàng có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí Việt Nam và thế giới như Tạp chí Toán học, Nghiên cứu Kinh tế, Tạp chí Cộng sản, The International Journal of Human Resource Development and Management, và The IUP Journal of Entrepreneurship Development.. Ông Hoàng là tác giả và đồng tác giả của một số cuốn sách như “Văn minh làm giàu & nguồn gốc của cải” (http://ocd.vn/index.php/vi/news/trithuc-quanly/803-tri-thuc-quan-ly), “Nguyên tắc tài chính toán trong thị trường chứng khoán”, “Kinh tế Việt Nam: Thăng trầm và Đột phá”.

Có thể bạn quan tâm
×
OES

Nhận thông báo về những Khóa học mới nhất

Error: Contact form not found.

Đăng ký nhận tư vấn Khóa học

Đăng ký nhận tư vấn Khóa học