Học tiếng anh trực tuyến giờ đây được xem lựa chọn tối ưu cho những người luôn bận rộn với công việc và không có thời gian cho các khoá học tại chỗ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách học online hiệu quả. Sau đây, chúng tôi xin đề cập tới 5 hiểu lầm “nguy hiểm” của các học viên học online mà chúng tôi đã tổng kết được.
Học nhiều chương trình cùng một lúc
Với những người bận rộn, khi quyết định học Tiếng Anh trực tuyến, ai cũng muốn nhanh chóng có được càng nhiều càng tốt các kiến thức và kĩ năng. Thực tế là nhiều học viên thay vì tìm hiểu để chọn chương trình học phù hợp với nhu cầu của bản thân thì lại quyết định chọn học nhiều thứ cùng một lúc như cả Tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh chuyên ngành, đồng thời cũng chọn thêm một vài chuyên đề ôn luyện thi như TOEFL, TOEIC, IELTS hoặc GMAT…. Vậy là với tâm lí học cho đủ, cho nhiều nên sau 3-6 tháng học tập, khả năng sử dụng tiếng Anh của một số học viên lại quay về điểm xuất phát ban đầu.
Lời khuyên của chúng tôi là:
Chỉ nên chọn chương trình phù hợp với mục đích học học tập (Để thi, để du học, hay để xin việc…);
Hoàn thiện lần lượt các bài học, các trình độ trong mỗi chương trình (Cố gắng học theo đúng trình tự mà chương trình đã đề ra – không nên học nhảy cóc).
2. Chỉ học phần từ vựng
Căn cứ vào số liệu thống kê từ hệ thống dữ liệu, chúng tôi thấy rằng: có đến hơn 70% người học chỉ chọn giao diện “Từ vựng/vocabulary” để học tập. Chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu và được biết nguyên nhân chính đó là, hầu hết người học đều cho rằng từ vựng là chìa khoá của thành công, biết nhiều từ vựng đồng nghĩa với việc sử dụng thành thạo tiếng Anh. Nên mục tiêu học tập của một số học viên chủ yếu là nâng cao vốn từ vựng. Tuy nhiên, nếu chỉ học từ vựng thuần tuý mà không gắn với một văn cảnh, văn bản hoặc hội thoại cụ thể thì hiệu quả về ứng dụng và thực hành rất thấp.
Lời khuyên của chúng tôi là:
Chỉ học từ vựng trong cấu trúc từ vựng/ngữ pháp liên quan;
Thực hành từ vựng thường xuyên trong các bài hội thoại, văn bản viết, báo cáo…;
Chuẩn hoá vốn từ vựng bằng việc tăng thực hành đọc hiểu, viết luận
3. Không thích kiểm tra, đánh giá
Cũng trong số liệu mà chúng tôi thống kê, nhiều học viên có xu hướng không tham gia bài kiểm tra, bài thi định kì, bài thi cuối khoá hoặc từ chối nhận báo cáo đánh giá của giáo viên trực tuyến. Một số thậm chí chọn cách nghỉ học giữa chừng hoặc bỏ qua hầu hết các bài thi.
Lời khuyên của chúng tôi là:
Hoàn thành mọi yêu cầu về bài tập, bài kiểm tra, bài thi…;
Thường xuyên theo dõi phần thống kê để đối chiếu kết quả học tập, sự tiến bộ…;
Chủ động điều chỉnh kế hoạch học tập nếu thấy thực sự cần thiết
4. “Học trực tuyến” – không quan trọng
Không ít học viên khi được hỏi: “Quan điểm của bạn khi học tập trực tuyến?” họ cho rằng, việc học tập trực tuyến không thực sự quan trọng với họ. Đây lại là một hiểu lầm đáng tiếc, theo họ học trực tuyến chỉ là cách học bổ sung – một kiểu học thêm không bắt buộc, hoặc tính tương tác của các chương trình trực tuyến không cao so với cách học trực tiếp. Thực tế, học trực tuyến luôn mang lại nhiều kiến thức, thông tin học tập phong phú, bổ ích, được cập nhật liên tục. Nếu người học biết tiếp cận và ôn luyện thường xuyên theo một kế hoạch và mục tiêu học tập rõ ràng, chắc chắn kết quả học tập sau 3- 6 tháng sẽ là không nhỏ.
Lời khuyên của chúng tôi là:
Khi chọn học bằng phương pháp trực tuyến, bạn phải thực sự thực sự nghiêm túc và quyết tâm cao;
Xác định rõ mục tiêu học tập và ôn luyện cụ thể cho từnga kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết);
Tập trung hoàn thiện kĩ năng mà bạn cảm thấy mình yếu nhất.
5. Học lúc nào cũng được
Lợi thế của học trực tuyến là học mọi lúc, mọi nơi. Đây là một trong những điểm mạnh mà hình thức học này mang lại. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều học viên có tâm lí cho rằng “Không học lúc này thì lúc khác, đi đâu mà vội, sự học là cả đời kia mà”. Sự chủ quan cùng với tư tưởng vừa học vừa chơi đã khiến nhiều học viên dù đã học trực tuyến cả một năm ròng mà kiến thức chẳng đi đến đâu. Vì thế họ đã để mất rất nhiều các cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Lời khuyên của chúng tôi là:
Học tập thường xuyên và đều đặn tuần tối thiểu 3 giờ học trực tuyến;
Tạo thói quen học tập, thực hành bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu có thể;
Nhớ rằng: “Việc hôm nay chớ để ngày mai!”
Dưới đây là những lưu ý khi bạn đã hoặc có ý định tham gia 1 khóa học tiếng Anh trực tuyến
Bạn đang theo một khoá học tiếng Anh khá hiệu quả tại một trung tâm nhưng quỹ thời gian của bạn khá hạn hẹp khiến cho hiệu quả học tập giảm đi, và bạn tìm đến một khoá học tiếng Anh trực tuyến như một sự lựa chọn hoàn hảo?
Có rất nhiều cách để đăng ký tham gia học tiếng Anh đơn giản và dễ dàng. Bài viết này không đề cập đến việc đăng kí học thế nào mà chỉ tham vấn cho những học viên đã đăng kí học có thể tham gia một cách hiệu quả nhất.
1. Đăng nhập hệ thống
Khá nhiều học viên có cảm giác e ngại khi đăng nhập lần đầu bởi hệ thống yêu cầu khai báo các thông tin cá nhân, các học viên lại không muốn đăng kí bằng tên thật và địa chỉ e-mail của mình. Và vì thế, trong quá trình học tập khi gặp các vấn đề về kĩ thuật, nội dung học tập các giáo viên trực tuyến sẽ khó lòng thông báo, tư vấn để bạn khắc phục, sửa chữa.
Lời khuyên: Các học viên nên sử dụng đúng tên thật, điện thoại và e-mail thường dùng để tiện cho các giao dịch cần thiết và giảm thiểu các chi phí phát sinh khi học tập. Có nhiều phần tư vấn học tập, thông báo bài học mới hoặc ưu đãi được gửi cho học viên nhưng lại đến một địa chỉ e-mail mà bạn chẳng bao giờ check cả. Như thế hiệu quả học tập sẽ không cao và thiếu tính tương tác giữa học viên – giáo viên – hệ thống.
2. Cách chọn bài học
Khi tham gia học trực tuyến, hệ thống sẽ hiển thị toàn bộ các bài học điện tử mà nếu học viên ban đầu đăng kí sẽ khó lòng biết chọn bài học nào, và trình độ nào thì phù hợp. Hơn nữa, các bài học lại được cập nhật thường xuyên khiến cho học viên thấy nản chí vì lượng bài học quá nhiều mặc dù các bài học đã được phân chia theo các trình độ khác nhau.
Lời khuyên: Các bạn nên sử dụng chức năng tìm kiếm trong hệ thống hoặc phần trình duyệt để tìm những bài cần học, còn nữa trước khi học bạn hãy tham gia làm bài kiểm tra trình độ để biết mình đang ở trình độ nào để tiện cho việc lên kế hoạch học tập.
3. Theo dõi kết quả học tập
Việc theo dõi kết quả học tập là rất cần thiết để học viên điều chỉnh lại kế hoạch học tập, hơn nữa hệ thống cũng sẽ cho bạn biết mức độ tiến bộ của bạn để tiếp tục học tập. Đồng thời việc xem thống kê kết quả học tập cũng cho bạn biết kết quả của từng nội dung học tập, bài học hoặc trình độ nào. Đây chính là điểm khác biệt giữa lớp học truyền thống và lớp học trực tuyến.
4. Ôn luyện, thực hành
Nhiều học viên chỉ cần học qua bài và học được nhiều bài thay vì sử dụng và học tập một cách có khoa học, chắc chắn. Điều này là không nên vì việc học tập, và thực hành các bài học cần thiết phải được tiến hành cùng lúc, thậm chí thời gian dành cho việc ôn luyện thực hành phải nhiều gấp 3 lần thời gian học từ vựng và cấu trúc, có như vậy việc học trực tuyến mới mang lại kết quả cao.
Theo kenhtuyensinh.vn