Chính phủ đã định hướng để tới năm 2030, Việt Nam đã trở thành một quốc gia số. Sự bùng nổ về công nghệ đã tạo ra một kỷ nguyên mới cho đào tạo. Xu hướng đào tạo đang dần thay đổi: Nhanh hơn, hiệu quả hơn, tốn ít chi phí hơn. Nhiều doanh nghiệp đã dành sự quan tâm tới E-learning trong đào tạo trực tuyến như một hình thức đào tạo để bổ trợ cho đào tạo trực tiếp trong tổ chức của mình.
Tuy nhiên, với sự tác động khủng khiếp của đại dịch COVID-19 đã khiến họ bối rối và buộc phải nhanh chóng triển khai E-learning ngay lập tức như một công cụ cứu cánh thay thế các lớp trực tiếp không thể tổ chức, hình thức họ lựa chọn chủ yếu là học qua các phần mềm như Zoom, Microsoft Teams, Skype… Trên thực tế, đa phần họ không đạt được thành công như mong đợi, thậm chí nhiều tổ chức gặp thất bại khi gặp phải sự phàn nàn, phản hồi không tích cực của học viên/ nhân viên. Từ đó ban lãnh đạo nhanh chóng đánh giá hình thức này không thực sự hiệu quả! Nguyên nhân do đâu?
DO KHÔNG HIỂU BẢN CHẤT
Xem thêm: Khi nào nên đầu tư vào kỹ năng cho người đi làm?
E-learning được hiểu đơn giản là hình thức học tập thông qua các thiết bị kết nối mạng. Tuy nhiên, E-learning có 2 hình thức tổ chức khác biệt nhau, không phải ai cũng hiểu rõ 2 hình thức này dẫn đến sự hiểu lầm, đánh đồng.
Đào tạo trực tuyến thời gian thực là hình thức đào tạo mà giảng viên có thể giảng bài dựa trên việc chia sẻ màn hình slide bài giảng, học viên có thể trao đổi trực tiếp với giảng viên, giữa học viên với nhau thông qua các công cụ trực tuyến như Zooms, Microsoft Team, Skype…
Đào tạo trực tuyến qua tài liệu số hóa là hình thức đào tạo mà giảng viên/ bộ phận quản lý đào tạo quản lý lớp học dựa trên việc hoàn thành các hoạt động như học qua bài giảng video, bài giảng tương tác SCORM, làm bài tập nhóm, làm bài kiểm tra…, người học phải tự quản lý thời gian để hoàn thành các hoạt động trong khóa học theo yêu cầu.
DO KHÔNG XÁC ĐỊNH ĐÚNG VÀ GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ CÁC RÀO CẢN BAN ĐẦU
Xem thêm: Giải pháp E-learning: Làm thế nào để xác định nhu cầu đào tạo của nhân viên trong doanh nghiệp?
Lớp học trực tuyến thời gian thực thực chất vẫn là một hình thức đào tạo trực tiếp thông qua môi trường/ công cụ trực tuyến. Lớp học đó vẫn có giảng viên và các học viên cùng tham gia với phòng học được thay thế bằng phòng học ảo với các công cụ hỗ trợ ảo nhưng đi cùng với đó là rào cản về mặt công nghệ, không gian, thời gian mà giảng viên và học viên chưa “quen” như:
- Trình độ sử dụng công nghệ thông tin không đồng đều. Đối với giảng viên, đặc biệt là giảng viên kiêm nhiệm, công việc chính của họ không phải là giảng dạy thường xuyên. Vì vậy, việc sử dụng thành thạo các công cụ của phần mềm dạy học trực tuyến như: khởi tạo lớp học tới học viên, chia sẻ tài liệu, chia nhóm, giao bài tập, kiểm tra…. là tương đối khó khăn.
- Đa phần chưa biết kết hợp thêm việc chia sẻ tài nguyên học tập từ nguồn các website khác hay các công cụ trực tuyến khác để bổ trợ lớp học thêm sinh động hấp dẫn như Kahoot, Ahaslides… (để tạo trò chơi học tập, đố vui, thăm dò…)
- Yêu cầu cao về đường truyền mạng. Khi mạng yếu dẫn đến tín hiệu (video/ audio) bị chập chờn gây cảm giác ức chế cho người học. Nhiều học viên học tại công sở, đặc biệt là các ngân hàng, vì đề cao tính bảo mật thông tin và ưu tiên băng thông cho hệ thống corebanking nên bị hạn chế truy cập hoặc hạn chế băng thông. Mặt khác, nếu học bằng mạng 3G/4G trên di động thì không mang lại trải nghiệm tốt nhất như qua màn hình máy tính. Chưa kể sóng 3G/4G trong các tòa nhà cao tầng thường bị yếu.
- Nhiều học viên/ giảng viên khác gặp các vấn đề về thiết bị như sử dụng PC không có sẵn webcam, micro và loa, hoặc các thiết bị khác như laptop, tablet bị lỗi webcam/ micro/ loa không sử dụng được. Hay đơn giản là phần mềm lớp học ảo bị lỗi.
- Đa phần giảng viên dạy học qua lớp học ảo bằng webcam máy tính của mình nên khung nhìn bé, hạn chế biểu cảm, cử chỉ hay các thao tác khác liên quan đến học liệu.
- Có một số hành động thiếu ý thức chung gây ảnh hưởng đến không khí lớp học như:
- Không kiểm soát được thiết bị của mình để xảy ra tình trạng không tắt mic gây ồn như xuất hiện tiếng ồn đám đông, chó sủa, trẻ con khóc…
- Một số học viên ngồi gần nhau cùng bật mic dẫn đến bị vang tiếng và dội tiếng gây khó chịu
- Một số mặc trang phục hoặc tư thế không phù hợp xuất hiện trên webcam (như mặc quần áo ngủ, trang phục lòe loẹt, hở hang; học trong tư thế nằm tay cầm điện thoại…)
- Khó kiểm soát được sự tập trung và trung thực của học viên. Trên thực tế, nhiều học viên vẫn ngồi truy cập vào lớp học nhưng lại như xem phim, chơi game, làm việc khác… Với các lớp đông học viên, khi được giảng viên yêu cầu tắt webcam, mic để ưu tiên băng thông cho giảng viên và bài giảng thì thậm chí họ còn không ngồi theo dõi lớp học mà để thiết bị một chỗ và đi chỗ khác.
Vì lớp học ảo thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nên giảng viên cũng rất khó kiểm soát các vấn đề khác ngoài bài giảng của mình, không như lớp học offline họ chỉ cần quan sát là bao quát được cả lớp.
- Một số nơi xảy ra tình trạng phá hoại, gây rối lớp học khi học viên chia sẻ ID, password lớp học cho đối tượng xấu.
VẬY CÁC DOANH NGHIỆP NÊN TỔ CHỨC ĐÀO TẠO TRỰC TUYẾN NHƯ THẾ NÀO?
Để E-learning có thể trở thành một văn hóa học tập trong doanh nghiệp và thực sự mang lại hiệu quả cao, các tổ chức đã triển khai thành công đã phải có chiến lược rất rõ ràng, từ việc lên kế hoạch nhân sự, chuẩn bị nguồn lực tài chính, chuẩn bị các nhóm nội dung phù hợp với từng hình thức đào tạo khác nhau (trực tuyến thời gian thực, trực tuyến qua tài liệu số hóa, trực tiếp). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải lựa chọn hình thức số hoá ra sao, lộ trình triển khai các giai đoạn trong năm phù hợp với quá trình sản xuất, kinh doanh ra sao; truyền thông nội bộ như thế nào…
Xem thêm: Gia tăng doanh số nhờ hệ thống LMS
Cả hai hình thức đào tạo kể trên đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, tùy vào từng trường hợp áp dụng cụ thể. Vì thế cho nên việc lựa chọn hình thức nào để sử dụng cần dựa trên những tiêu chí xác định:
- Đối tượng đào tạo là ai và nhu cầu đào tạo của họ;
- Nội dung đào tạo: cơ bản hay chuyên sâu, sử dụng một lần hay nhiều lần;
- Khả năng tham gia đào tạo của học viên: Thời gian biểu, trang thiết bị, thái độ học tập,…
Xét trên tầm nhìn dài hạn, doanh nghiệp nên số hóa phần lớn các nội dung đào tạo nhằm sở hữu một thư viện tri thức nội bộ được kiểm soát chặt chẽ để có thể triển khai bất cứ lúc nào. Những nội dung nên được doanh nghiệp số hoá trước tiên có thể kể đến là những nội dung mang tính lý thuyết, lặp đi lặp lại, nội dung đào tạo hội nhập, định hướng; nội dung mang tính cập nhật mới thường xuyên, nội dung kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho lãnh đạo cấp trung.
Một lưu ý cho các doanh nghiệp là các nội dung mang tính bảo mật như các bí mật kinh doanh, số liệu tài chính… tuyệt đối không triển khai ở bất kỳ hình thức E-learning nào bởi kể cả khi hệ thống phần mềm được thiết lập bảo mật chặt chẽ thì học viên vẫn có thể quay màn hình bằng thiết bị ngoài (điện thoại thông minh) và phát tán chúng.
Hiện nay, đào tạo trực tuyến trong doanh nghiệp nên chiếm từ 40%-60% tỷ trọng đào tạo. Và trong đào tạo trực tuyến, tỷ lệ giữa đào tạo trực tuyến qua tài liệu số hóa và đào tạo trực tuyến thời gian thực nên là 80%-20%. Với các nội dung chuyên sâu, cần nhiều tương tác, thảo luận, phản hồi từ giảng viên một cách nhanh chóng thì nên chọn hình thức đào tạo trực tuyến thời gian thực. Hình thức triển khai này phù hợp với nhóm học viên có thể tuân thủ một lịch biểu cố định và có nhu cầu cao về tương tác, trao đổi khi tham gia học.
Để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi từ mô hình đào tạo trực tiếp (offline) sang mô hình đào tạo trực tuyến (online) tưởng dễ nhưng không hề dễ dàng. Việc này đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của ban lãnh đạo, đội ngũ đào tạo và phát triển nhân sự của doanh nghiệp cũng như tinh thần học hỏi, cầu thị của mỗi nhân viên. Và khi được triển khai thành công, hiệu quả mô hình này mang lại sẽ giúp doanh nghiệp có nền tảng nhân sự vững chắc để có thể phát triển bền vững./.
Nguyễn Đức Bình
C.E.O Optimal E-learning Solution