GHI ÂM BÀI GIẢNG NHƯ NHỮNG PHÁT THANH VIÊN CHUYÊN NGHIỆP
SELECT MENU

Cộng đồng E-learning

GHI ÂM BÀI GIẢNG NHƯ NHỮNG PHÁT THANH VIÊN CHUYÊN NGHIỆP

Chất lượng âm thanh của bài giảng là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đối với thành công của một khóa học trực tuyến vì nó là phương tiện truyền đạt nội dung và kết nối học viên với khóa học. Một số người quyết định thuê phát thanh viên và phòng thu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự mình làm tất cả nếu biết tận dụng và điều chỉnh lại phương pháp của mình theo cách tối ưu nhất có thể. Sau đây là một số lời khuyên về môi trường và cách thức ghi âm có thể giúp bạn cải thiện chất lượng công việc của mình.

ghi-am-nhu-phat-thanh-vien-chuyen-nghiep

1.Lựa chọn micro có chất lượng tốt

Đây là điều cơ bản và dễ hiểu nhưng có vai trò rất quan trọng; một cái micro tốt hiển nhiên sẽ mang lại cho bạn âm thanh đầu ra có chất lượng tốt hơn. Không nhất thiết phải sử dụng loại quá đắt tiền, nhưng bạn sẽ thu được sản phẩm tương xứng với những gì mình đã đầu tư. Xét về hướng thu âm, micro có thể chia thành hai loại chính: micro thu vô hướng – thu âm thanh từ mọi hướng xung quanh và micro thu định hướng – chỉ thu âm từ một hướng nhất định. Lời khuyên khi lựa chọn micro, loại thu định hướng sẽ tốt hơn vì nó chỉ thu lại âm thanh từ phía người nói, nhờ đó có thể hạn chế bớt các tạp âm xung quanh.

2.Duy trì môi trường ghi âm cố định và loại bỏ các tiếng ồn xung quanh càng nhiều càng tốt

Không lý tưởng bằng phòng thu chuyên nghiệp, nhưng bạn có thể linh hoạt điều chỉnh và ứng biến để thu được kết quả vừa ý; bạn càng kiểm soát được không gian làm việc thì càng có thể mang lại chất lượng tốt hơn trong quá trình ghi âm. Chìa khóa là duy trì những thói quen cố định mỗi khi tiến hành công việc ghi âm: hãy sử dụng cùng một căn phòng, cùng một không gian, cùng một chế độ thiết lập chương trình máy tính, máy ghi âm hay micro; sử dụng chân đứng cho micro để bàn và giữ nguyên khoảng cách với mic trong mỗi lần thu âm. Ngoài ra, hãy cố gắng loại bỏ tiếng ồn xung quanh một cách triệt để nhất bởi rất hiếm khi bạn có thể ở trong một không gian im lặng hoàn toàn: Hãy tắt các thiết bị văn phòng, thậm chí tắt cả quạt và điều hòa nếu có thể; không đặt micro gần máy tính (máy để bàn), vì quạt máy tính có thể gây rất nhiều tiếng ồn; nhắc nhở mọi người giữ yên lặng…

3.Đặt micro ở vị trí thích hợp

Nếu đặt micro quá gần, âm thanh thu được có xu hướng bị méo; còn nếu đặt micro quá xa, bạn sẽ thu phải nhiều tạp âm xung quanh hơn trong khi giọng chính lại không được rõ. Khoảng cách hợp lý nhất nằm trong khoảng từ 15 – 20 cm sẽ giúp bạn thu được âm thanh đầu ra trong trẻo, rõ ràng hơn.

4.Ghi âm thử để chắc chắn máy móc đang ở chế độ thiết lập thích hợp

Sẽ rất mất thời gian và bực mình nếu như bạn đã tập trung ghi âm một bài dài rồi chợt nhận ra rằng mình quên bật micro, hay âm thanh đầu ra quá rè hoặc quá nhỏ… Vì vậy, hãy ghi âm thử một đoạn ngắn trước khi chính thức bắt đầu để chăc chắn rằng kết quả thu được đúng với những gì bạn mong muốn. Ngoài ra, bạn cũng nên tắt các chương trình máy tính không cần thiết khác, vì chúng có thể chiếm dụng bộ nhớ và ảnh hưởng đến quá trình ghi âm của bạn.

5.Nghe lại bản thu bằng tai nghe cá nhân

Tai nghe cá nhân (headphone) giúp cách ly âm thanh với môi trường bên ngoài nên bạn sẽ có thể nghe thấy bản thu rõ ràng hơn, từ đó phát hiện các lỗi sai, các vấn đề cần chỉnh sửa trong bản thu dễ dàng hơn so với việc nghe bằng loa ngoài, đặc biệt là loa máy tính xách tay.

6.Chuẩn bị một “kịch bản” có văn phong thích hợp và dễ đọc, không nói vượt quá nội dung cần thiết

Bạn cần một bản đề cương và ghi chú các ý cần nói. Hãy đọc thử vài lần trước khi ghi âm để chắc chắn rằng bài giảng trôi chảy và hợp lý. Tìm kiếm và chú ý những chỗ dễ nói vấp hoặc dễ mắc lỗi trong quá trình ghi âm. Trong khi một số người quen đọc trực tiếp từ màn hình máy tính, một số khác lại thích in ra giấy hơn. Nếu bạn cũng có thói quen này, đừng cố dồn chữ chi chít vào các trang giấy với cỡ chữ và khoảng cách nhỏ xíu. Hãy để ra những khoảng trống vừa phải để mắt bạn không bị căng thẳng. Địa điểm tiến hành ghi âm cũng cần được chiếu sáng đầy đủ.

7.Đứng nói trong khi ghi âm bài giảng

Hãy đứng nói trong khi ghi âm giống như bạn đang đứng trên bục giảng trước lớp. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái và có thể điều hòa hơi thở dễ dàng hơn. Nhưng nếu muốn hoặc cần phải ngồi, hãy cố gắng ngồi ngay ngắn, giữ thẳng lưng, thẳng cổ, cằm hướng ra ngoài, bạn sẽ phát âm dễ dàng và ít bị mệt hơn so với tư thế ngồi rũ xuống và gập bụng lại.

8.Chuẩn bị sẵn nhiều đồ uống trong lúc ghi âm

Khi nói quá nhiều trong một khoảng thời gian dài, bạn sẽ mệt mỏi và cảm thấy rất khát. Hãy chăm sóc, gìn giữ dây thanh quản khỏe mạnh bằng cách uống nhiều nước. Nên dùng và giữ nước uống ở nhiệt độ phòng hơn là uống lạnh. Nước trắng hoặc trà là những loại đồ uống thích hợp nhất; tránh các loại như cà-phê, nước uống có ga và các sản phẩm từ sữa.

9.Ghi âm 10 giây im lặng

Khi ghi âm một đoạn im lặng, bạn có thể kiểm tra riêng mẫu tiếng ồn, tạp âm trong môi trường ghi âm để sau đó dùng các chương trình lọc tiếng ồn loại bỏ bớt các tạp âm này. Nếu vô tình có tiếng ồn xung quanh (như tiếng máy điều hòa), bạn có thể lọc bớt chúng trong quá trình xử lý kỹ thuật sau này.

10.Thư giãn, tự nhiên và không nói quá nhanh

Luyện tập bằng cách đọc lại phần bài nói của mình vài lần trước khi tiến hành ghi âm chính thức. Hãy cố gắng nói một cách tự nhiên nhất, giống như bạn đang nói chuyện với người khác hoặc đang giảng bài trong lớp học thông thường, chứ không đơn thuần là chỉ đọc diễn cảm các dòng chữ đã chuẩn bị sẵn. Nếu trong khi thu bạn có mắc lỗi, hoặc thậm chí là nhầm lẫn rối tung lên, hãy dừng lại hẳn một vài giây trước khi tiếp tục nói. Đoạn dừng đó giúp nhân viên kỹ thuật dễ dàng cắt bỏ đoạn bị lỗi trong khi chỉnh sửa phần thu cuối cùng.

11.Đánh dấu các đoạn ghi âm khác nhau

Thông thường bạn sẽ phải ghi âm nhiều lần và nhiều đoạn nhỏ, hãy tìm cách đánh dấu mỗi đoạn mới hay mỗi lần thu mới. Một cách đơn giản mà hiệu quả là để trống khoảng 5 giây im lặng trước mỗi đoạn thu mới (để nhân viên kỹ thuật có thể dễ dàng tìm thấy đoạn mới khi quan sát trên bản đồ sóng âm) và chỉ rõ vị trí của ý mới, như “slide thứ 4, đoạn 2, ý thứ 3…”

Bài viết liên quan

×
OES

Nhận thông báo về những Khóa học mới nhất

Error: Contact form not found.

Đăng ký nhận tư vấn Khóa học

Đăng ký nhận tư vấn Khóa học