Experiential Learning: Vai trò của học tập trải nghiệm và cách áp dụng trong tổ chức
SELECT MENU

Cộng đồng E-learning

Experiential Learning: Vai trò của học tập trải nghiệm và cách áp dụng trong tổ chức

Học tập trải nghiệm (Experiential Learning) tại nơi làm việc đang thay đổi cách các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động phát triển nhân sự. Tuy đã xuất hiện được một thời gian dài và được nhiều đối tượng quan tâm, song không phải doanh nghiệp nào cũng thực sự hiểu rõ về học tập trải nghiệm để áp dụng rộng rãi tại tổ chức mình. Trong bài viết này, hãy cùng OES tìm hiểu kỹ lưỡng về Experiential Learning, vai trò của học tập trải nghiệm và làm thế nào để áp dụng phương pháp này hiệu quả tại môi trường làm việc.

Experiential Learning là gì?

Trải nghiệm được tạo ra thông qua sự tương tác liên tục của con người với thế giới xung quanh, và học tập là một phần tất yếu của trải nghiệm này. Experiential Learning (Học tập trải nghiệm) là một phương pháp đào tạo lấy người học làm trọng tâm và khuyến khích sự tham gia chủ động của họ thông qua các hoạt động tương tác khơi gợi về mặt cảm xúc. 

Với đào tạo tại doanh nghiệp, phương pháp học trải nghiệm tập trung vào hoạt động kết nối kiến thức với các trải nghiệm công việc thực tế, nhằm giúp học viên (hay cũng chính là nhân sự) ghi nhớ kiến thức và ứng dụng hiệu quả vào công việc của mình. 

3 yếu tố quan trọng tạo nên đặc trưng của mô hình học tập trải nghiệm nằm ở:

  • Mức độ tham gia của học viên: Trái ngược với phương pháp đào tạo truyền thống tập trung vào việc truyền đạt kiến thức một chiều, học tập trải nghiệm (Experiential Learning) ưu tiên sự tham gia chủ động của học viên. Họ không chỉ nghe giảng đơn thuần mà còn tích cực tham gia vào quá trình học tập dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
  • Tính tương tác: Học tập trải nghiệm đặc biệt nhấn mạnh đến các tương tác khác như học viên – học viên, học viên – môi trường xung quanh, học viên – đối tượng khác (khách hàng, đối tác, cộng đồng,…). Những trải nghiệm này tạo điều kiện thuận lợi để người học “đắm mình” vào thực tế. 
  • Tính đa chiều: Học tập trải nghiệm không chỉ tập trung vào khía cạnh hành vi của học viên mà còn tìm hiểu sâu hơn về cảm xúc, tâm lý và nhận thức của họ. Không chỉ vậy, phương pháp này còn được điều chỉnh liên tục dựa trên phản hồi từ cả học viên và giảng viên trong suốt quá trình đào tạo, đảm bảo rằng các hoạt động học tập đạt hiệu quả cao.

Xem thêm: Tất Tần Tật Về Mô Hình Học Tập Trải Nghiệm Của David Kolb

Vai trò của học tập trải nghiệm trong tổ chức

Thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế 

Báo cáo của Đại học Queen’s ghi nhận rằng những học viên tham gia các hoạt động trải nghiệm có khả năng vận dụng kiến thức vào công việc tốt hơn so với phương pháp đào tạo truyền thống. Học tập trải nghiệm mang lại cơ hội cho người học áp dụng kiến thức và kỹ năng đã học vào các tình huống thực tế, từ đó thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc về môi trường làm việc, khuyến khích sự tự tin và chuẩn bị kỹ lưỡng cho những thách thức có thể gặp phải.

Chương trình Phát triển năng lực lãnh đạo của Johnson & Johnson là một ví dụ điển hình chứng minh vai trò của học tập trải nghiệm. Trong đó, các nhân sự tiềm năng của công ty được trải nghiệm luân phiên ở nhiều vị trí công việc tại các địa điểm khác nhau. Chỉ sau 6 tháng, hiệu quả công việc của họ tăng lên hơn 47%. Cuộc thử nghiệm đặc biệt này đã chứng tỏ “sức mạnh” của việc học tập thông qua thực hành, giúp học viên áp dụng kiến thức tốt hơn vào thực tế.

Chống lại “Đường cong lãng quên'” 

Đường cong lãng quên là một khái niệm do Hermann Ebbinghaus đưa ra nhằm mô tả tỷ lệ quên thông tin theo thời gian. Theo đó, nếu không có sự củng cố kiến thức, chúng ta sẽ quên đi phần lớn thông tin đã học sau một khoảng thời gian nhất định. Vai trò của học tập trải nghiệm được chứng minh trong việc chống lại “Đường cong lãng quên” thông qua các cách: 

  • Tạo tương tác và kết nối: Học tập trải nghiệm thường sử dụng các hoạt động thực hành, tương tác và giải quyết vấn đề, giúp học viên tham gia tích cực vào quá trình học tập, từ đó nâng cao khả năng ghi nhớ. 
  • Tăng cường sự liên kết kiến thức: Học tập trải nghiệm giúp học viên kết nối kiến thức mới với những gì họ đã biết, tạo ra các liên kết trí nhớ mạnh mẽ, giúp học viên dễ dàng truy xuất thông tin khi cần thiết. 
  • Thúc đẩy tư duy phản biện: Học tập trải nghiệm khuyến khích học viên suy nghĩ sâu sắc về những gì họ đang học và cách áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế, giúp học viên hiểu rõ hơn về kiến thức và ghi nhớ thông tin lâu hơn. 

Xem thêm: Ứng Dụng Đường Cong Lãng Quên Ebbinghaus Trong Đào Tạo Doanh Nghiệp 

Thúc đẩy sự tương tác của người học

Học tập trải nghiệm thường bao gồm các hoạt động nhóm, thúc đẩy trao đổi ý tưởng, thảo luận và hợp tác để đạt được mục tiêu chung. Điều này không chỉ phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm mà còn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các đồng nghiệp.

Ví dụ điển hình là chương trình “20% thời gian” nổi tiếng của Google, cho phép nhân viên dành một ngày trong tuần để làm việc cho các dự án không thuộc mô tả công việc của họ. Chính nhờ chương trình này mà một số sản phẩm “siêu sáng tạo” của công ty ra đời, chẳng hạn như Gmail và AdSense. Sáng kiến trên minh họa cho Vai trò của học tập trải nghiệm trong việc “nuôi dưỡng” một lực lượng lao động có mức độ tương tác – gắn kết cao, được thúc đẩy bởi sự tự do khám phá, sẵn sàng đổi mới theo những phương pháp sáng tạo. 

Thúc đẩy văn hóa học tập liên tục

Học tập trải nghiệm đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng văn hóa học tập liên tục trong các tổ chức. Phương pháp này khuyến khích nhân viên chủ động tìm kiếm các cơ hội học tập và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của họ với đồng nghiệp.

Learning Campus – Khuôn viên học tập của Tập đoàn Siemens là một ví dụ điển hình cho việc áp dụng học tập trải nghiệm tại doanh nghiệp. Chương trình này cung cấp cho nhân viên đa dạng cơ hội học tập trải nghiệm, từ các công cụ học tập kỹ thuật số đến máy móc, trang thiết bị hiện đại và các phòng thí nghiệm được làm mới. Qua đó, Siemens thúc đẩy một môi trường học tập lành mạnh, thân thiện và tư duy học tập liên tục trong toàn tổ chức.

Xem thêm: Cách Xây Dựng Văn Hóa Học Tập Trong Doanh Nghiệp Để Nâng Cao Hiệu Suất

Tăng khả năng thích ứng – Một trong những vai trò của học tập trải nghiệm 

Thế kỷ 21 chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, khiến nhu cầu được tư duy sáng tạo (think outside the box) và khao khát được tự trải nghiệm (thinking “on one’s feet”) ngày càng được khẳng định rõ ràng. Đây không chỉ là những nhu cầu chính đáng của con người mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cách họ học tập.

Cách tốt nhất để có thể thích ứng với sự biến đổi của môi trường là học tập thông qua trải nghiệm. Với phương pháp thực hành giải quyết các thử thách, nhân viên sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để sẵn sàng đối mặt với nhiều tình huống bất ngờ trong tương lai. 

Chẳng hạn, Microsoft đã triển khai văn hóa “hackathon” – nơi nhân viên thường xuyên tham gia các dự án ngắn hạn với cường độ cao để giải quyết các thách thức cụ thể của công ty. Vai trò của học tập trải nghiệm được thể hiện không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn xây dựng một lực lượng lao động thích nghi với sự thay đổi, nhanh chóng điều chỉnh trước những biến động của thị trường.

Các giai đoạn của học tập trải nghiệm

David Kolb đã phát triển mô hình học tập trải nghiệm qua bốn giai đoạn liên tục: trải nghiệm cụ thể, quan sát và suy ngẫm, khái quát hóa lý thuyết, và thử nghiệm thực tế. Mỗi giai đoạn đều đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy và kỹ năng mới.

  • Trải nghiệm cụ thể (Concrete Experience): Quá trình học tập bắt đầu khi người học trực tiếp tham gia vào một tình huống hoặc hoạt động thực tế. Đây là lúc học sinh tiếp cận với sự kiện hoặc trải nghiệm, cảm nhận nó qua tương tác và phản ứng với môi trường xung quanh.
  • Quan sát và suy ngẫm (Reflective Observation): Sau khi hoàn thành trải nghiệm, học sinh quan sát kỹ và suy ngẫm về những gì vừa xảy ra. Ở giai đoạn này, họ xem xét phản ứng và cảm xúc của bản thân, phân tích sự kiện một cách chi tiết để hiểu sâu hơn về trải nghiệm đã qua.
  • Khái quát hóa lý thuyết (Abstract Conceptualization): Từ những quan sát và suy ngẫm, học sinh bắt đầu hình thành các khái niệm hoặc nguyên tắc. Họ liên kết kinh nghiệm với các lý thuyết hoặc nguyên lý đã học, cố gắng xây dựng một hệ thống lý thuyết để lý giải những gì đã trải qua.
  • Thử nghiệm thực tế (Active Experimentation): Cuối cùng, học sinh áp dụng kiến thức và lý thuyết vào các tình huống thực tế. Qua việc thử nghiệm và điều chỉnh hành động, họ tiếp tục thu thập phản hồi và kết quả mới, từ đó cải thiện và củng cố kiến thức của mình.

Quá trình này diễn ra liên tục, giúp học sinh không chỉ tích lũy kiến thức mà còn phát triển hiểu biết thông qua các giai đoạn trải nghiệm, suy ngẫm, khái quát và thực hành.

Làm thế nào để tổ chức cung cấp học tập trải nghiệm tốt?

Đối với một doanh nghiệp, học tập trải nghiệm đóng vai trò thiết yếu trong việc bồi dưỡng đội ngũ nhân viên năng động và thích ứng nhanh nhạy. Khác với phương pháp đào tạo truyền thống, học tập trải nghiệm dựa trên nền tảng “thử nghiệm và học hỏi” liên tục, giúp nhân viên ghi nhớ kiến thức sâu sắc, phát triển kỹ năng mềm và rèn luyện tư duy sáng tạo.

Trên thực tế, có nhiều biến số ảnh hưởng đến quá trình học tập trải nghiệm của học viên, như sự thay đổi về kinh tế, chính trị, công nghệ, xã hội, và đặc điểm nhân khẩu học. Vì vậy, không có một khuôn mẫu hay công thức chung nào đảm bảo hiệu quả cho mọi doanh nghiệp.

Thành công của chương trình học tập trải nghiệm còn dựa trên sự nhạy bén của ban lãnh đạo, đội ngũ L&D và đặc điểm riêng của từng tổ chức. Việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp còn cần dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về mục tiêu chiến lược, văn hóa doanh nghiệp và năng lực hiện tại của đội ngũ nhân viên. 

Với lợi ích và vai trò của học tập trải nghiệm mang lại cho doanh nghiệp thì đây là một khoản đầu tư mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp! 

Điều đáng mừng là hiện nay, hoạt động học tập trải nghiệm đang được nhiều doanh nghiệp triển khai dưới dạng trực tuyến e-Learning trên Hệ thống quản lý học tập (LMS). Thông qua các bài giảng được số hóa, học viên có cơ hội trải nghiệm ngay cả khi chỉ học tập qua màn hình với giảng viên. Đào tạo trên e-Learning vẫn tuân theo 4 chu kì trong mô hình học tập trải nghiệm của David Kolb, bao gồm: 

  • Thực hiện: Thông qua hoạt động thực tế làm việc tại doanh nghiệp
  • Thất bại: Gặp khó khăn trong công việc và đặt vấn đề với bộ phận đào tạo 
  • Quan sát: bài giảng số hóa, video, đồ họa, âm thanh, slide,… hấp dẫn và giàu tính tương tác 
  • Thực hành: Áp dụng kiến thức vào thực tế công việc 

Để đảm bảo quá trình trên đạt được hiệu quả, Hệ thống quản lý học tập LMS còn được trang bị tính năng theo dõi, giám sát tiến trình và tích hợp phản hồi, cùng nhiều phương pháp khơi gợi hứng thú học tập khác. 

Kết luận

Vai trò của học tập trải nghiệm đã được chứng minh rõ ràng trong việc thúc đẩy văn hóa học tập liên tục, nâng cao khả năng thích nghi và đổi mới của nhân viên, từ đó góp phần vào sự thành công của tổ chức. Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của đào tạo trực tuyến e-Learning, học tập trải nghiệm đang đến gần hơn với doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu học tập của từng cá nhân. 

Nếu Quý doanh nghiệp đang quan tâm đến Experiential Learning và muốn biết thêm về phát triển học tập trải nghiệm với bài giảng số hóa và hệ thống quản lý học tập LMS, hãy liên hệ ngay OES – Công ty Cổ phần Dịch vụ Đào tạo Trực Tuyến để được tư vấn miễn phí bởi đội ngũ chuyên môn dày dặn kinh nghiệm.

Bài viết liên quan

×
OES

Nhận thông báo về những Khóa học mới nhất

Error: Contact form not found.

Đăng ký nhận tư vấn Khóa học

Đăng ký nhận tư vấn Khóa học

0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x