Giá trị cốt lõi có thể được xem là linh hồn của công ty. Trong thời kỳ kinh tế hội nhập với thế giới, việc xây dựng hệ giá trị cốt lõi là điều mà rất nhiều doanh nghiệp Việt hướng đến, thế nhưng trên thực tế lại rất ít tổ chức đạt được thành công. Trong bài viết này, hãy cùng OES tìm hiểu core value là gì, làm thế nào để biến giá trị cốt lõi trở thành những nguyên tắc sống động trong môi trường làm việc.
Xem thêm: Giải Pháp Thúc Đẩy Doanh Nghiệp Đổi Mới Sáng Tạo Trong Thời Đại 4.0
Core value là gì?
Core value (giá trị cốt lõi) là những nguyên tắc, niềm tin và chuẩn mực quan trọng, đóng vai trò nền tảng mà một tổ chức hay doanh nghiệp xây dựng nhằm định hướng hành động và hỗ trợ ra quyết định. Core value được ví như “DNA” của mọi tổ chức doanh nghiệp, không chỉ là những câu chữ trên giấy mà là bản sắc, tinh thần và văn hóa của công ty, định hình cách nhân viên làm việc và ứng xử với nhau, hay với khách hàng và đối tác.
Lý do doanh nghiệp nên xác định core value là gì?
Core value là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Dưới đây là ba lý do chính chứng minh tầm quan trọng của việc xác định các giá trị cốt lõi của tổ chức:
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Giá trị cốt lõi đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng, duy trì văn hóa doanh nghiệp và tạo ra một môi trường làm việc thống nhất. Theo Harvard Business Review, các công ty có nền tảng giá trị vững chắc đạt mức tăng trưởng hơn 30% và lợi nhuận cao hơn 17%. Điều này cho thấy việc truyền đạt tốt giá trị cốt lõi nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác và hiệu quả công việc, từ đó tác động sâu sắc vào mục tiêu kinh doanh.
Làm nổi bật bản sắc doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh
Giá trị cốt lõi không đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm kiếm những tính từ thật khác biệt, nhưng cách doanh nghiệp thể hiện bản sắc của mình lại cần đáp ứng điều này. Cùng một tính từ “phá cách”, trong khi Amazon thể hiện nó qua giá trị cốt lõi “Think big” (Nghĩ lớn) thì Uber lại sử dụng “We celebrate differences” (Chúng tôi đề cao sự khác biệt). Bằng những cách truyền đạt khác nhau, khách hàng sẽ ghi nhớ doanh nghiệp của bạn gắn với đặc điểm riêng có thay vì nhầm lẫn với một cái tên khác.
Thu hút và giữ chân nhân tài
Theo nghiên cứu của Achievers, hơn 75% nhân sự coi core value là yếu tố rất quan trọng để họ quyết định lựa chọn và gắn bó với công việc. Nhân viên có cùng giá trị với doanh nghiệp (cultural-fit) thường có niềm tin và động lực làm việc cao hơn, giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài, tạo nên đội ngũ nhân sự mạnh mẽ và ổn định.
Xem thêm: Đào Tạo Trực Tuyến – Biện Pháp Giữ Chân Nhân Viên Giỏi Cho Doanh Nghiệp
Cách biến giá trị cốt lõi thành những nguyên tắc sống động cho nhân viên
Giá trị cốt lõi sẽ chỉ là những câu chữ sáo rỗng nếu doanh nghiệp không nỗ lực truyền tải chúng dưới dạng những nguyên tắc có tính thực tế. Để xây dựng giá trị cốt lõi song hành cùng văn hóa doanh nghiệp cần xuất phát từ bốn yếu tố:
Sự thống nhất và cam kết cao từ phía Ban lãnh đạo
Năm 2017, Edufit bắt tay xây dựng bộ giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để các giá trị cốt lõi vừa viết ra sẽ được các nhân viên chuyển đổi thành hành động?
Ban đầu, họ tập trung thúc đẩy 1.800 nhân viên học thuộc và cố gắng ứng dụng vào thực tế nhưng không đạt được hiệu quả. Sau một thời gian tìm kiếm giải pháp, họ hiểu rằng: Lãnh đạo làm gương chính là phương pháp hiệu quả nhất. Ban lãnh đạo thực hiện hành vi, đội ngũ lãnh đạo cấp trung sẽ trở thành “cánh tay nối dài” để nhân sự cấp dưới học tập.
Ban lãnh đạo không chỉ dẫn dắt mà còn đảm bảo cam kết đi đến cùng trong việc xây dựng giá trị cốt lõi. Họ cũng là người truyền cảm hứng, lan tỏa năng lượng tích cực đến nhân sự cấp dưới. Bên cạnh đó, người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần lắng nghe ý kiến từ phía nhân viên, tạo cơ hội cho họ tham gia vào quá trình xây dựng core value cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, văn hóa làm việc có thể thay đổi theo thời gian để phù hợp chiến lược phát triển của doanh nghiệp, song những giá trị cốt lõi luôn cần được đề cao. Nhân sự sẽ theo dõi và cư xử như cách mà lãnh đạo của họ làm việc bởi đây là giá trị cốt lõi mà họ hiểu. Vậy nên, cho dù chiến lược kinh doanh thay đổi, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các thế hệ nhân sự, dù mới hay cũ đều hiểu đúng và thực hiện theo core value đã được định hướng.
Định hướng tư duy và đào tạo kỹ năng cho nhân sự
Để nhân viên thực hiện theo giá trị cốt lõi, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là xác định xem họ nên bắt đầu từ đâu. Trên thực tế, có rất nhiều tổ chức thực hiện các khóa đào tạo về tư duy, nhưng năng lực của nhân sự chưa được trang bị đủ, dẫn đến việc nhân sự sau khi học không thể áp dụng kiến thức vào thực thế.
Công ty toàn cầu 3M là ví dụ về tầm quan trọng của đào tạo tư duy và kỹ năng cho nhân sự trong doanh nghiệp để thực hiện tốt theo giá trị cốt lõi:
3M là doanh nghiệp đa quốc gia, chuyên sản xuất sản phẩm công nghệ tiên tiến với hơn 88.000 nhân sự. Những giá trị họ lựa chọn thể hiện sự trân trọng dành cho khách hàng, nhà đầu tư, môi trường và nhân sự, tiêu biểu là:
- Hành động trung thực và liêm chính, ngay cả khi không có người theo dõi
- Ưu tiên sự hài lòng của khách hàng bằng công nghệ tiên tiến, chất lượng và dịch vụ vượt trội
- Đảm bảo lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư thông qua tăng trưởng bền vững
- Bảo vệ môi trường và xã hội
- Tôn trọng sự khác biệt, đa dạng và thu hút nhân tài
Đào tạo trực tuyến là cách mà 3M đảm bảo nhân sự trên toàn cầu thấm nhuần giá trị cốt lõi của họ trong công việc và giao tiếp. Công ty đã xây dựng các chương trình học tập online như WorldSkills, DonorsChoose.org, Frontline Sales Initiative,… để truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhân sự sáng tạo những ý tưởng tuyệt vời trong công việc. Chỉ sau hơn một năm thực hiện tập trung các giải pháp đào tạo trực tuyến, kết quả nhận về thực sự đáng mừng với 99% nhân sự học tập tích cực và hiệu quả công việc tăng đến 41%.
Xem thêm: Xây Dựng Quy Trình Đào Tạo Và Phát Triển Nguồn Nhân Lực Hiệu Quả
Tạo động lực và khuyến khích nhân sự làm việc theo giá trị cốt lõi
Doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, kỹ năng thông qua các khóa đào tạo và thúc đẩy động lực bằng cách gắn liền giá trị cốt lõi vào từng hoạt động, từ tuyển dụng, quản trị hiệu suất, khen thưởng, xử phạt đến chính sách sa thải.
Jim Collins – chuyên gia tư vấn về xây dựng văn hoá doanh nghiệp khẳng định: Đỉnh cao của văn hóa doanh nghiệp là khi một vị khách lạ vô tình biết tới tổ chức của bạn, họ không cần phải đọc trên giấy vẫn hiểu được core value là gì. Điều này cho thấy rằng, giá trị cốt lõi cần đi sâu, thấm nhuần vào tư tưởng của từng nhân sự, tác động đến cách mà họ ứng xử, làm việc và thể hiện ra ngoài “tự nhiên như hơi thở”. Từ buổi phỏng vấn đầu tiên cho tới khi kết thúc hành trình tại doanh nghiệp, nhân sự vẫn luôn hiểu được rằng những giá trị cốt lõi là nền tảng cho mọi quyết định của công ty.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông, khích lệ nhân sự đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các giá trị cốt lõi. Điều này giúp họ có thêm động lực, tình yêu với những điều mà mình đang làm.
Kellogg’s – Doanh nghiệp thực phẩm hàng đầu nước Mỹ là một ví dụ điển hình khi triển khai chương trình ghi nhận nhân sự, khen thưởng những nhân viên thực hiện xuất sắc các giá trị cốt lõi. Kellogg’s đã tạo ra những “KOL” trong chính doanh nghiệp của mình, những người này sẽ trở thành tấm gương về sự cam kết trong việc thực hiện theo giá trị cốt lõi. Chỉ trong thời gian ngắn, Kellogg’s gửi đi hơn 80.000 lời khen đến nhân sự trên toàn cầu. Điều này không chỉ đạt được thành công lớn về mục tiêu truyền thông mà còn góp phần củng cố vững chắc các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Đoàn kết và kiên trì thực hiện trong thời gian dài
Việc hiện thực hóa giá trị cốt lõi và xây dựng văn hóa doanh nghiệp không xuất phát từ một nhóm người hay một phòng ban riêng lẻ, mà đòi hỏi sự chung tay của tập thể và thực hiện kiên trì trong thời gian dài. Để thống nhất hành động và đảm bảo nhân sự thực hiện đúng, doanh nghiệp nên có những lý giải chi tiết về core value là gì, kết hợp hiệu quả với các hoạt động truyền thông nội bộ.
“Gã khổng lồ” trong ngành công nghệ Google luôn tự hào về tổ chức của mình. Họ xác định những giá trị cốt lõi, coi trọng và thể hiện thống nhất trên mọi phương diện ngay từ khi công ty chỉ mới vài năm tuổi, cụ thể:
- Tập trung vào người dùng và tất cả những thứ khác sẽ theo sau
- Tốt nhất là làm một việc thật tốt
- Nhanh tốt hơn là chậm
- Dân chủ
- Bạn không cần phải ngồi ở bàn làm việc mới cần câu trả lời
- Bạn có thể kiếm tiền mà không làm điều ác
- Luôn có nhiều thông tin hơn ngoài kia
- Nhu cầu thông tin vượt qua mọi biên giới
- Bạn có thể nghiêm túc mà không cần mặc vest
- Tuyệt vời thôi là chưa đủ
Ứng với mỗi hạng mục, Google luôn có một đoạn giải thích đầy đủ, chi tiết để làm rõ core value là gì và yêu cầu nhân sự cần đạt được những tiêu chuẩn cao nhất. Tuy có sự xem xét và thay đổi để phù hợp với yêu cầu thị trường, song những giá trị trên luôn là “linh hồn” của Google và được hàng trăm ngàn nhân sự toàn cầu thực hiện nghiêm túc.
Kết
Để giá trị cốt lõi “sống trong lòng doanh nghiệp”, yếu tố then chốt không chỉ dừng lại ở truyền thông mà còn đòi hỏi sự nỗ lực của toàn tổ chức. Ở đó, đội ngũ lãnh đạo cần thể hiện đúng core value là gì, sự cam kết trong hành động và tạo điều kiện cho nhân sự tham gia vào quá trình xây dựng văn hóa. Để thay đổi thói quen của nhân viên, doanh nghiệp cũng cần có Hệ thống quản lý học tập và giải pháp đào tạo hiệu quả giúp giá trị cốt lõi được duy trì,, phát triển.
Nếu doanh nghiệp đang quan tâm đến việc triển khai e-Learning và đào tạo hiệu quả trên hệ thống LMS tại doanh nghiệp, hãy liên hệ ngay OES – Công ty Cổ phần Dịch vụ Đào tạo Trực Tuyến để được tư vấn miễn phí bởi đội ngũ chuyên môn dày dặn kinh nghiệm.