Ai có trách nhiệm cho một dự án elearning thất bại?
SELECT MENU

Cộng đồng E-learning

Ai có trách nhiệm cho một dự án elearning thất bại?

E-learning – một cụm từ không còn xa lạ đối với người làm giáo dục ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Có hàng triệu ý tưởng xung quanh môi trường học tập học trực tuyến, hoặc làm sao để thành công từ hệ thống E-Learning này. Tuy nhiên, sự thất bại ngày càng nhiều, thành công ít của việc triển khai và ứng dụng E-learning vào giáo dục như là một đề tài trùng lập với các hình thức kinh doanh khác trên thế giới. Và đối với các nhà làm giáo dục quan tâm đến E-learning, họ cần nhìn nhận các vấn đề một cách chính xác để có những nhận định, đánh giá và rút kinh nghiệm, từ đó, có những bước điều chỉnh phù hợp nhằm làm cho giáo dục phát triển một cách tốt hơn, cho cả người học và người cung cấp việc học.

Trong một môi trường học trực tuyến, muốn hình thành, duy trì và phát triển hệ thống, cần phải có sự ràng buộc trong mối quan hệ giữa ba chủ thể là người học, người cung cấp khóa học và người cung cấp giải pháp gắng kết hai đối tượng trên. Mỗi chủ thể cần phát huy tối đa vai trò của mình trong hệ thống nếu không muốn làm mờ đi môi trường học tập trực tuyến. Do đó, sự không thành công của một môi trường học trực tuyến luôn phản ảnh trách nhiệm của 3 chủ thể nói trên. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài như sự tác động của pháp luật, môi trường xã hội,…cũng góp phần không nhỏ vào việc hạn chế sự phát triển của hình thức học E-learning.

ai-co-trach-nhiem-trong-mot-du-an-e-learning-that-bai-1

Trách nhiệm của đơn vị hoạt động, cung cấp các khóa học, chương trình đào tạo

Ý tưởng “chết từ trong trứng nước”

Giống các hình thức kinh doanh khác, hoạt động kinh doanh giáo dục trên môi trường internet hay dùng E-learning làm công cụ giáo dục, kinh doanh thường xuất hiện trong ý tưởng của nhiều đơn vị. Tuy nhiên việc mạnh dạn nghiên cứu và đầu tư ứng dụng hệ thống này phục vụ hoạt động giáo dục cho đơn vị thì hạn chế rất nhiều. Có nhiều lý do cho các đơn vị có thể dựa vào đó để trả lời. Song, việc ý tưởng E-learning “chết từ trong trứng nước” sẽ làm tắt đi hy vọng cho một con đường khác đưa tri thức đến với người học. Thử hỏi, làm sao đó là con đường nếu mà chúng ta không đi.

Ứng dụng “cho có”

Hiện tại các trường đại học ở Việt Nam đã được xây dựng hệ thống E-Learning khá nhiều, nhưng sự hoạt động mạnh mẽ mang lại hiệu quả thiết thực trên diện rộng thì chưa cao. Có một số đơn vị trường học từ lâu đã hình thành các kênh đào tạo từ xa, bước đầu cũng mang lại hiệu quả khả quan, nhưng vẫn còn là số ít. Còn ở phần lớn các đơn vị còn lại, E-Learning vận hành chủ yếu ở các hoạt động chia sẻ bài giảng hay thông tin các vấn đề liên quan lịch học, học phí,…Các hoạt động giảng dạy chủ yếu vẫn dựa trên hình thức truyền thống trên các lớp học. Việc khai thác và vận dụng hệ thống E-Learning vào các giờ giảng chưa được quan tâm và áp dụng thường xuyên, chưa đi vào hệ thống học tập bắt buộc.

Bất kể điều gì, từ cái hữu hình cho đến cái vô hình, nếu thiếu sự quan tâm, chăm sóc để phát triển thì sẽ dần đi vào mai một và quên lãng, đó là điều tất yếu. Một quốc gia hay một đơn vị hoạt động giáo dục muốn quan tâm, đổi mới, nâng cấp và phát triển hệ thống giáo dục hiệu quả dựa trên công nghệ thì đừng làm E-learning theo kiểu “ứng dụng cho có” hay đổi mới đã “triệt” mà còn “để”, hãy quan tâm một cách đúng mức từ nhân lực, công nghệ cho đến thời gian, hãy giành những nguồn tài nguyên nhất định trên cơ sở các kế hoạch, có như vậy bức tranh E-learning Việt nam mới có thể đậm đà màu sắc được.

Phân tâm

Ở các đơn vị hoạt động giáo dục hiện tại, không chỉ ở Việt Nam và trên thế giới, hơn 90% hoạt động giáo dục diễn ra theo phương thức truyền thống. Việc hệ thống này đã đi vào nếp, có quy trình vận hành hoàn chỉnh cũng ảnh hưởng rất lớn cho sự tập trung vào việc thay đổi áp dụng học trực tuyến vào giáo dục. Vấn đề theo đuổi thành tích hay lợi nhuận cũng là một yếu tố làm mất đi sự tập trung quan tâm cho việc triển khai thành công hệ thống E-Learning. Việc tập trung nguồn lực cho hệ thống học trực tuyến sẽ làm chi phối một trong những mục tiêu lớn của một số đơn vị trường học hay đơn vị khác, đó là thành tích hiện tại hay thành tích theo chỉ tiêu,…Và lựa chọn ưu tiên của các đơn vị này vẫn là hoàn thành mục tiêu trước mắt về thành tích, về doanh thu, về lợi nhuận,…. Đó như là một vòng lẩn quẩn hay là một chu kỳ sẽ dẫn đến hệ quả là E-learning vẫn “ì ạch” có tồn tại nhưng không phát triển.

Chỉ có được sự quyết tâm, sự tập trung cần thiết cùng với một nguồn tài nguyên và những kế hoạch dài hạn mới có thể hy vọng vào việc có thể phát triển và ứng dụng hiệu quả hệ thống học trực tuyến.

Sử dụng cái có sẵn

Hầu hết con người thường thích dùng cái có sẵn, và lợi ích của việc dùng những thứ đã có là không ai phủ nhận. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục trực tuyến, các đơn vị ngại nghiên cứu phát triển riêng các hệ thống vận hành phục vụ E-learning vì nhiều yếu tố khách quan. Thay vào đó là việc ứng dụng các cộng cụ có sẵn – các công cụ mã nguồn mở và miễn phí. Đối với các công cụ này, việc miễn phí có giới hạn nhất định về chất lượng cũng như hình thức tương tác và tiếp cận đến đối tượng người học. Giao diện chưa thân thiện, chưa bắt mắt, tính năng hạn chế và khó sử dụng là một trong những yếu tố làm cho người học cảm thấy “chán” một khóa học trực tuyến. Việc sử dụng một công cụ mã nguồn mở trang bị cho hệ thống quản lý học trực tuyến có nhiều cái lợi cho đơn vị cung cấp sản phẩm giáo dục, nhưng về lâu dài, hiệu quả tác động đến với đối tượng mà các đơn vị này hướng đến là người học thường không cao. Cho nên, khi ứng dụng các công cụ xây dựng nên hệ thống E-Learning, các đơn vị phải thật cẩn thận khi tập trung vào những thứ có sẵn.

Thiếu sự quảng bá đúng mức

Như đã phân tích ở trên, học trực tuyến hay e-learning là các thuật ngữ là hầu hết các nhà làm giáo dục tiên tiến đều biết đến. Tuy nhiên, đối tượng mà các đơn vị này hướng đến là người học có thực sự biết và quan tâm hay không thì là một câu hỏi khác. Thực trạng người học chưa quan tâm nhiều đến các hình thức học tập qua mạng hay các lợi ích mà phương pháp học này mang lại không thể quy hết trách nhiệm về phía người học mà các đơn vị giáo dục nên nhận trách nhiệm ấy về phần mình. Bản thân các đơn vị này bản chất là các đơn vị cung cấp sản phẩm và dịch vụ, việc quảng bá ra thị trường làm cho người tiêu dùng (học viên) biết đến sản phẩm của mình cũng như là các lợi ích mà các sản phẩm đó mang lại là điều cần thiết. Tuy nhiên, thông qua các hoạt động tuyển sinh cho thấy, không nhiều các đơn vị giới thiệu về E-learning của mình đến với người học, như vậy cũng vô tình làm hạn chế sự phát triển và thành công của hệ thống E-Learning của đơn vị.

Đổi mới tương tác chưa mạnh mẽ

Với tốc độ phát triển chóng mặt của thời đại công nghệ số, các hoạt động tương tác của người dùng trên môi trường internet ngày càng cao. Các hình thức tương tác trên hệ thống E-Learning cũng cần phải có sự cập nhất và đổi mới theo xu hướng và hướng đến người dùng. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ cũ hay các công cụ khó nâng cấp, thay đổi cũng phần nào làm giảm hiệu quả trong việc ứng dụng E-learning.

Bên cạnh công nghệ, sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy tương thích với một bài học trực tuyến đã và đang là đề tài nóng của nhiều cuộc đối thoại. Các giảng viên hiện tại vẫn đang quá quen với hình thức giảng dạy truyền thống, cách thức tương tác với học viên chưa chuyển biến tích cực phù hợp với môi trường học trực tuyến. Ở đa số các khóa học trực tuyến qua video hiện tại, chúng ta có thể thấy lối giảng cứng nhắc như “ru ngủ” của các giảng viên vẫn đang còn. Người học trở nên thụ động và nhàm chán vì học đã quá quen với các điều này qua các chương trình truyền thống. Và vấn đề đặt ra là cần có sự mới mẻ nhưng hiệu quả trong phương thức tương tác giữa nguồn kiến thức và người học.

Thiếu sự chuẩn bị

Giống như các mô hình kinh doanh khác, kinh doanh giáo dục trực tuyến qua E-Learning cũng cần phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lâu dài. Các nguồn lực về vốn, kế hoạch vận hành công nghệ, vận hành quảng cáo tiếp thị, chăm sóc khách hàng cần được chuẩn bị ngay từ đầu. Song song đó, một bảng tiến độ được hoạch định để quản lý dự án hoạt động xây dựng, sử dụng và phát triển E-Learning là điều cần thiết. Thực tế các doanh nghiệp, cá nhân công nghệ “chết yểu” rất nhiều, không phải là họ thiếu kiến thức mà thiếu các nguồn lực khác. Cho nên, việc quan tâm vào khâu chuẩn bị các nguồn lực trọng yếu như đã nêu là một điều không hề thừa.

Trách nhiệm của đơn vị cung cấp giải pháp học trực tuyến

Hạn chế trong trình độ xây dựng LMS

Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá khá cao về trình độ phát triển công nghệ tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt đối với hệ thống học trực tuyến, Việt Nam cũng đã vươn mình ra thị trường nước ngoài về giải pháp hỗ trợ học trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ “đếm được trên đầu ngón tay” các doanh nghiệp các khả năng như thế về mặt trình độ phát triển. Các đơn vị cung cấp các giải pháp học trực tuyến khác cần nhìn nhận yếu điểm trong công nghệ, đầu tư nghiên cứu và phát triển hệ thống E-Learning phù hợp cho đặc thù Việt Nam, sau đó nghiên cứu, nhân bản hệ thống vươn tầm quốc tế.

Khung giá thành với người tiêu dùng

Một trong những trở ngại cho việc tiếp cận các giải pháp phần mềm với khách hàng đó chính là việc người dùng không biết được khung giá cho một hệ thống hỗ trợ học trực tuyến. Đối với các sản phẩm hữu hình, việc thể hiện giá cả sản phẩm trên các kênh tiếp thị truyền thông là một điều đơn giản. Nhưng đối với sản phẩm số, sản phẩm công nghệ trí tuệ gần như là vô hình như các hệ thống hỗ trợ học trực tuyến thì việc đưa ra một mức giá cho từng sản phẩm là một điều không đơn giản, nó phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, không phải là không có giải pháp, vấn đề là giải pháp phải được chủ động nghiên cứu bởi chính nhà cung cấp. Vì đây chính là một yếu tố tâm lý rất quan trọng trong sự tương tác với khách hàng mục tiêu của họ. Việc thấy được một khung giá cho hệ thống – sản phẩm mà khách hàng cần sẽ làm cho khách hàng chủ động hơn rất nhiều trong việc tương tác và sử dụng sản phẩm.

Quảng bá sản phẩm

Trách nhiệm quảng bá về hệ thống E-Learning hay các lợi ích mà việc học trực tuyến mang lại đến với người học không chỉ thuộc nhiệm vụ, trách nhiệm của đơn vị cung cấp các khóa học mà còn là của đơn vị cung cấp giải pháp hỗ trợ học trực tuyến. Nhưng vấn đề này thực tế vẫn còn sự thiếu quan tâm đúng mức của các đơn vị cung cấp giải pháp E-Learning. Hầu hết họ thường quan tâm đến khách hàng mục tiêu của họ là các đơn vị cung cấp các khóa học cho người học chứ chưa thể hiện vai trò xúc tác, cầu nối để kích cầu học trực tuyến đến người học. Đây thực sự là điều mà các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp hỗ trợ học trực tuyến nên xem xét.

Hạn chế trong việc dùng thử

Ở các đơn vị kinh doanh trực tuyến hay còn gọi là các đơn vị hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), hầu hết các trang mạng trong hệ thống hoạt động TMĐT của họ đều giới thiệu các sản phẩm một cách chi tiết. Tương tác với các hệ thống này, khách hàng có thể thấy được sản phẩm của họ một cách trực quan qua hình ảnh, cách thức sử dụng, cũng như có thể cảm nhận được hiệu quả mà sản phẩm của đơn vị TMĐT mang lại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh hiện tại còn có cơ chế cho khách hàng dùng thử sản phẩm để trải nghiệm và cảm nhận giá trị của hàng hóa do đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, đối với các đơn vị cung cấp hệ thống giải pháp hỗ trợ học tập trực tuyến, việc giới thiệu các tính năng, lợi ích của sản phẩm đến người dùng còn nhiều hạn chế. Khi một khách hàng có ý tưởng về kênh e-learning cho riêng họ, họ tìm thông tin về hệ thống quản lý học trực tuyến, nhưng khó lòng nào học có thể sử dụng thử sản phẩm này, thay vào đó chỉ là những thông tin. Để hiểu rõ tính năng, cũng như lợi ích về sản phẩm của đơn vị cung cấp hệ thống học trực tuyến cung cấp, họ phải đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu,…Việc này làm mất rất nhiều thời gian của khách hàng. Nhưng không phải lúc nào khách hàng cũng đủ kiên nhẫn để làm những điều đó. Do vậy, các sản phẩm công nghệ số là những phần mềm, những giải pháp khó tiếp cận khách hàng ngay từ lúc ban đầu góp phần không nhỏ làm cho khách hàng muốn sử dụng cũng phải lâm vào cảnh “Ý tưởng “chết từ trong trứng nước”” như đã phân tích ở trên.

Trách nhiệm của người học

Ý thức tự học

Hiện tại các mạng xã hội phát triển rực rỡ, chi phối phần lớn thời gian người dùng tương tác trên môi trường internet. Và việc học trực tuyến một phần cũng bị chi phối bởi các kênh mạng này. Thay vì bỏ ra 1 giờ ngồi trước máy tính để học qua E-learning, phần lớn người dùng sẵn sàng tiêu tốn hàng giờ để tương tác với mạng khác. Qua đó cho thấy, ý thức tự học vẫn còn thấp trong hệ tư tưởng của người học. Và điều này xuất phát từ nhiều yếu tố tác động như môi trường gia đình, nhà trường, sự ảnh hưởng của truyền thông xã hội,…Nhưng điều quan trọng thông qua ví dụ này chúng ta thấy rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động E-learning trong giáo dục phải có những biện pháp kích cầu thông qua việc nâng cao ý thức tự học cho người dùng.

Yếu tố tâm lý

Câu “không thầy đố mày làm nên” từ lâu đã đi sâu vào tâm trí người học, mọi hoạt động học tập đều được hỗ trợ và điều phối từ giảng viên. Chính vì lẽ đó, người học trong thời gian ngắn khó thể nào thay đổi tư duy theo hướng chủ động hơn trong việc học, thay vào đó là tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào người dạy. Điều này góp phần vào việc duy trì hệ tư tưởng truyền thống là tốt và tránh hoặc chậm đổi mới phương thức tiếp cận với kiến thức. Yếu tố tâm lý sợ phải thay đổi của người học trong việc tiếp cận kiến thức cũng là một tác nhân không nhỏ trong việc giới hạn hình thức học tập E-Learning.
Hy vọng với các yếu tố phân tích trên, mỗi chủ thể ảnh hưởng đến môi trường đào tạo sẽ có những nhận định riêng cũng như có những hướng chuyển biến tích cực góp phần vào sự phát triển E-learning nói riêng và nền giáo dục nước nhà nói chung. Hy vọng giáo dục Việt được nâng lên tầm cao mới qua đó có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
Theo: http://www.facework.vn/

Bài viết liên quan

×
OES

Nhận thông báo về những Khóa học mới nhất

Error: Contact form not found.

Đăng ký nhận tư vấn Khóa học

Đăng ký nhận tư vấn Khóa học